Tóm tắt cốt truyện chiếc thuyền ngoài xa
Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý, trưởng phòng Nguyên đề nghị nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng phải tìm chụp bổ sung một cảnh biển buổi sáng có sương mù. Phùng đi đến môt vùng biển miền Trung cách Hà Nội hơn 600 cây số. Đây từng là nơi anh và Đẩu-người bạn cùng đơn vị năm xưa giờ đang là chánh án toà án huyện- đã chiến đấu thời đánh Mĩ.
Phùng đã “phục kích mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức ảnh nào. Sau gần một tuần suy nghĩ, tìm kiếm, anh quyết định chụp cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh. Phùng vô cùng mãn nguyện vì đã chụp dược một bức ảnh nghệ thuật toàn bích.
Bất ngờ, từ chiếc thuyền thật đẹp ấy, lại bước xuống một đôi vợ chồng nhà chài thô kệch xăm xăm tìm đến bãi xe hỏng mà bọn lính nguỵ đã bỏ lại năm 1975. Rồi người đàn ông dùng chiếc thắt lưng lính nguỵ thẳng tay quất tới tấp vào người vợ, còn người vợ môtk mực cam chịu, không hé răng, không né tránh.
Phùng chưa kịp xông ra ngăn cản thì thằng Phác- con họ- đã lao tới giật chiếc thắt lưng, quất vào người cha để bênh mẹ. Cặp vợ chồng lại lặng lẽ trở lại thuyền. Biết Phùng đã chứng kiến sự tàn bạo của cha mình, thằng Phác đâm ra căm ghét anh.
Ba hôm sau, cũng trong làn sương sớm, Phùng lại chứng kiến cảnh tương tự. Không thể nén chịu thêm được nữa, Phùng xông ra ngăn cản và bị người chồng đánh trả. Phùng bị thương, được đưa về trạm y tế của toà án huyện để điều trị
Người đàn bà được mời đến toà án huyện. Chánh án Đẩu thuyết phục chị ly hôn với người chồng vũ phu, độc ác. Nhưng cả Đẩu lẫn Phùng đều ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước việc người đàn bà kiên quyết không chịu ly hôn. Theo chị , chỉ vì cuộc sống quá quẫn bách nên anh ta mới đánh vợ để giải toả nỗi uất ức, bực dọc của mình. Vả lại, gia đình họ cũng có lúc vui vẻ, nhất là lúc nhìn đàn con được ăn no.
Hai người cố thuyết phục nhưng người đàn bà vẫn không hề thay đổi ý kiến. Cuối cùng họ đã hiểu ra người đàn bà ấy dù có bị đánh đập tàn bạo đến mấy vẫn cần có người chồng, cần một người đàn ông sức vóc trên thuyền để có thể ra khơi kiếm sống và nuôi đàn con đông đúc.
Câu chuyện thương tâm của người đàn bà nhà chài đã khiến Phùng đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến cảm thông và thấm thía: Không thể đơn giản và sơ lược khi nhìn nhận mọi hiện tượng của cuộc đời.
Tấm ảnh của Phùng được chọn vào bộ lịch về “thuyền và biển” năm ấy. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, người nghệ sĩ đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn bao giờ anh cũng thấy hình ảnh người đàn bà nghèo khổ, lam lũ bước ra từ tấm ảnh.
(Tham khảo thêm một tóm tắt ngắn gọn mà hay:
Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung (cũng là nơi anh từng chiến đấu) để chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Sau nhiều ngày “phục kích”, người nghệ sĩ đã phát hiện và chụp được “một cảnh đắt trời cho” – đó là cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh đã ngạc nhiên đến sững sờ khi chứng kiến từ chính chiếc thuyền đó cảnh người chồng vũ phu đánh đập vợ một cách dã man, đứa con vì muốn bảo vệ mẹ đã đánh trả lại cha mình.
Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn và lần này người nghệ sĩ đã ra tay can thiệp . . . Theo lời mời của chánh án Đẩu (một người đồng đội cũ của Phùng) người đàn bà hàng chài đã đến toà án huyện. Tại đây, người đàn bà ấy đã từ chối sự giúp đỡ của Đẩu và Phùng, nhất quyết không bỏ lão chồng vũ phu. Chị đã kể câu chuyện về cuộc đời mình và đó cũng là lí do giải thích cho sự từ chối trên. Rời vùng biển với khá nhiều ảnh, người nghệ sĩ đã có một tấm được chọn vào bộ lịch “tĩnh vật hoàn toàn” về “thuyền và biển” năm ấy. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, người nghệ sĩ đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn bao giờ anh cũng thấy hình ảnh người đàn bà nghèo khổ, lam lũ bước ra từ tấm ảnh)