Đọc hiểu đoạn trích "Hồi trống Cổ Thành"
Tư Mã Viêm (cháu Tư Mã Ý) đem đại quân xuống thì Tôn Hạo đầu hàng. Tư Mã Viêm lập ra nhà Tấn (208), chấm dứt thế chân vạc và thống nhất Trung Quốc (Theo Từ điển văn học, NXB Thế giới, 2004).
4. Tóm tắt
Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành thuộc hồi 28. Quan Công đưa hai chị sang Nhữ Nam. Kéo quân đến Cổ Thành thì nghe nói Trương Phi đang ở đó. Quan Công mừng rỡ sai Tôn Càn vào thành báo Trương Phi ra đón hai chị.
Trương Phi khi ấy đang tức giận, nghe tin báo liền sai quân lính mở cổng thành, rồi một mình một ngựa vác bát xà mâu lao đến đòi giết Quan Công. Quan Công bị bất ngờ nhưng rất may tránh kịp nên không mất mạng. Đang nóng giận, Trương Phi nhất quyết không chịu ghi nhận lòng trung của Quan Công dù cả hai vị phu nhân đã hết lời thanh minh sự thật.
Giữa lúc đang bối rối thì đột nhiên ở đằng xa, Sái Dương mang Quân Tào đuổi tới. Trương Phi càng thêm tức giận, buộc Vân Trường phải lấy đầu ngay tên tướng đó để chứng thực lòng trung. Quan Công không nói một lời, múa long đao xô lại. Chưa đứt một hồi trống giục, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất. Bấy giờ, Phi mới tin anh là thực. Phi mời hai chị vào thành rồi cúi đầu sụp lạy xin lỗi Quan Công.
5. Đọc hiểu
Bên cạnh kho tàng văn học dân gian rất đồ sộ với tác phẩm Kinh Thi nổi tiếng, nhân dân Trung Quốc còn rất tự hào với hai đỉnh cao chói lọi là thơ Đường và tiểu thuyết Minh – Thanh. Văn học Minh Thanh là giai đoạn phát triển cuối cùng của văn học cổ điển Trung Quốc. Đây là thời kì nền văn học Trung Quốc khá đa dạng, phong phú và đạt nhiều thành công về mặt nghệ thuật. Trong đó có sự lên ngôi đầy vẻ vang của tiểu thuyết. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc là một loại truyện dài, được kể thành chương hồi và theo trật tự trước sau của sự việc. Khái niệm tiểu thuyết trong văn học Minh Thanh khác với tiểu thuyết hiện đại sử dụng ngày nay. Có thể kể đến những đỉnh cao tiêu biểu của tiểu thuyết Minh Thanh đã rất quen thuộc với chúng ta ngày nay như Tây du kí, Nho lâm ngoại sử, Thuỷ hử truyện, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng… Trong đó, Tam quốc diễn nghĩa là tác phẩm phản ánh một thời kì dài và đầy biến động của lịch sử Trung Quốc, đó là thời Tam quốc. La Quán Trung viết tác phẩm này dựa trên ba nguồn tư liệu chính là sử liệu (cuốn sử biên niên Tam quốc chí của Trần Thọ đời Tấn và cuốn Tam quốc chí của Bùi Tùng Chi người Nam Bắc triều) ; dã sử, truyền thuyết trong dân gian ; tạp kịch, thoại bản đời Nguyên (cuốn Tam quốc chí bình thoại). Vì thế tác phẩm vừa là một thiên sử kí, vừa là một tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật.
Qua việc kể lại những câu chuyện về cuộc chiến tranh cát cứ giữa ba tập đoàn phong kiến Nguỵ, Thục, Ngô, bằng nhãn quan chính trị của mình, La Quán Trung đã bày tỏ khát vọng về một xã hội công bằng, ổn định với vua hiền tướng giỏi, nhân dân ấm no. Mặc dù, lấy đề tài từ những câu chuyện lịch sử đã lùi sâu vào quá khứ nhưng tác giả đã khắc hoạ một thế giới nhân vật sinh động trong những mối quan hệ rất chặt chẽ, với đủ những nét tính cách khác nhau. Không một nhân vật nào trùng lặp nhân vật nào trong thế giới hàng nghìn nhân vật ấy. Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành đã phần nào bộc lộ một trong những nét tính cách tiêu biểu của hai nhân vật xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm là Quan Vân Trường và Trương Phi. Đoạn trích rất ngắn so với sự đồ sộ của tác phẩm nhưng cũng đã thể hiện được một đặc trưng bút pháp nghệ thuật của La Quán Trung cũng như đặc điểm chung của tiểu thuyết cổ điển Minh – Thanh.
Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành có kết cấu hoàn chỉnh và đầy kịch tính. Đây là một đặc điểm trong nghệ thuật trần thuật của tiểu thuyết cổ điển, mỗi chương hồi thường là một câu chuyện có giới thiệu, mở mối, mở nút và thắt nút như kết cấu một vở kịch. Sau khi giới thiệu nhân vật và sự việc thì mở ra mâu thuẫn, rồi mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm rồi được giải quyết bằng một hành động nào đó. Trong đoạn Hồi trống Cổ Thành, mở đầu tác giả giới thiệu việc Quan Công đang trên đường tìm về Nhữ Nam gặp Lưu Bị, ngang qua Cổ Thành biết được Trương Phi ở đó bèn đưa hai