Gia đình là nền tảng của xã hội, nếu không phát huy giá trị gia đình thì nền kinh tế cho dù phát triển cao đến mấy, mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Con người sinh ra ai cũng cần khẳng định mình và việc đó được thể hiện rõ nét nhất trong các mối quan hệ xã hội. Tôn trọng, phát huy những giá trị xã hội là kêu gọi mọi người nỗ lực cống hiến cho đất nước và lập nên những thành tích rất đáng tự hào.
Nhưng trong khi cổ vũ, phát huy cao độ những giá trị xã hội thì chúng ta lại chưa quan tâm đúng mức đến những giá trị gia đình. Chúng ta đã tuyên dương hàng chục nghìn tấm gương chiến đấu giỏi, lao động giỏi. Để tôn vinh những giá trị xã hội, chúng ta đã phong tặng nhiều danh hiệu vẻ vang cho hàng chục nghìn người có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực xã hội. Nhưng suốt mấy chục năm trở về trước chưa có một ông bố tốt, một người mẹ tốt nào được biểu dương, khen thưởng một cách có hệ thống. Những giá trị gia đình được xây dựng từ hàng nghìn năm nay đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Đó là: Đức hiếu thảo, nghĩa thủy chung, đạo nhà v.v...
Xã hội ngày càng chú ý đến những người kinh doanh giỏi, kiếm tiền giỏi, đỗ đạt cao, thăng tiến trên chính trường... còn những tấm gương con cái hiếu thảo với cha mẹ, người lớn nêu gương tốt cho lớp sau, những gia đình nuôi dạy con nên người... thì ít được tôn vinh. Ngày xưa, học trò ai cũng thuộc lòng nhị thập tứ hiếu (24 tấm gương tiêu biểu về lòng hiếu thảo) và là bài học thường ngày của các nho sinh.
Trong Quốc văn giáo khoa thư, những giá trị gia đình được soạn thành những bài học rất sinh động và đậm nét. Còn ngày nay, những giá trị gia đình chưa trở thành một nội dung giáo dục quan trọng trong chương trình phổ thông, cũng như nội dung sinh hoạt, mục tiêu phấn đấu của các tổ chức xã hội. Đó là sự khiếm khuyết đáng báo động. Các giá trị gia đình là linh hồn của các gia đình, trên cơ sở đó mà chúng ta xây dựng nên tình yêu quê hương đất nước, xây dựng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Cũng nhờ có các giá trị gia đình mà chúng ta tồn giữ được văn hóa Việt Nam suốt bốn nghìn năm nay.
Nếu các giá trị gia đình không được chăm lo bồi dưỡng thì chúng sẽ bị mai một đi và các gia đình sẽ tan rã. Tỉ lệ ly hôn ở nước ta ngày càng tăng; nạn nạo phá thai lứa tuổi chưa thành niên của Việt Nam thuộc vào nhóm cao nhất thế giới; trẻ em lang thang, người già không nơi nương tựa ngày càng nhiều... Đó là những dấu hiệu về sự xuống cấp những giá trị gia đình.
Gia đình là những tế bào của xã hội. Tế bào có khoẻ mạnh thì cơ thể mới khoẻ mạnh. Các tế bào bị phân hủy, nhiễm độc thì cơ thể sẽ ốm yếu. Gia đình không bền vững thì xã hội cũng không thể bền vững, càng không thể phát triển.
Nếu không phát huy những giá trị gia đình thì không có hạnh phúc và như thế thì sự phát triển kinh tế cho dù có cao đến mấy, mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.Xin đừng quên những giá trị gia đình!
Thời gian dành cho gia đình luôn quý giá, đặc biệt nếu bạn ít có cơ hội thực hiện. Khi vợ chồng bạn đều đi làm thì việc cả hai cùng nhau chăm sóc, chơi đùa với con trong những lúc rỗi rãi là điều vô cùng quan trọng.
Ưu tiên số 1
Cách tốt nhất của việc tạo thời gian cho gia đình là để ý đến nó một cách cẩn thận. Khi bọn trẻ lớn, bạn sẽ thấy những nhu cầu của các thành viên trong gia đình ngày càng tăng và đối lập với nhau.
Giả dụ, thời gian rảnh rỗi có thể dành cho những bữa tiệc tùng, thăm nom bạn bè, nghe điện thoại và những chương trình TV không thể bỏ qua. Bạn cần sớm nhận thấy nếu không tự khống chế và điều chỉnh được thời gian cho gia đình thì nó sẽ không thể tự xảy ra.
Lên kế hoạch trước
Bí quyết là đề ra kế hoạch trước và cho mọi thành viên trong nhà biết kế hoạch ấy. Bạn không nên lo lắng nếu chưa có ý định cụ thể đi đâu vào chiều thứ Bảy tới. Bước đầu tiên cần có là dành ra vài giờ cho một hoạt động có sự tham gia của cả nhà.
Khi bọn trẻ lớn hơn, bạn cần giúp chúng nhận thức được giá trị của những khoảng thời gian dành cho gia đình bằng cách nói chuyện với chúng. Hãy tâm sự với chúng rằng những buổi chiều thứ Bảy cùng với gia đình rất có ý nghĩa với bạn và bạn đánh giá cao việc có sự tham gia của các con.
Đừng phí phạm thời gian quý báu cho gia đình vào việc nhà mà thay vào đó là các hoạt động vui chơi, giải trí.
Chia sẻ trách nhiệm
Việc gì có kế hoạch và tổ chức tốt đều giúp bạn tối đa hóa thời gian tận hưởng cuộc sống cùng những người thân yêu. Chỉ cần 10 phút mỗi tối để lên thời gian biểu cho hôm sau sẽ giúp bạn tập trung hơn khi thực hiện. Hãy chia sẻ trách nhiệm ấy với bạn đời của mình, ví dụ như:
- Cùng nhau lên kế hoạch sẽ làm gì trong tuần tới.
- Cố gắng giúp cho cuộc sống của con cái được cân bằng, đầy đủ trong mức có thể, không thua kém bạn bè.
- Thực hiện trách nhiệm làm cha làm mẹ trong việc giáo dục con.
- Sắp xếp, phân công trách nhiệm sao cho phù hợp và thuận tiện nhất cho công việc của cả hai vợ chồng.
Cuối cùng, bạn đừng bao giờ cho rằng vài phút ngắn ngủi dành cho con cũng chẳng ý nghĩa gì. Đôi khi, bọn trẻ chỉ cần vài lời hỏi han của bố mẹ về chuyện học hành hay bạn bè ở lớp cũng làm chúng thấy vui. Đến khi lớn, không có gì khiến bọn trẻ hài lòng hơn là sự quan tâm đầy đủ, trọn vẹn của cha mẹ.
Chúng ta đều biết thời gian dành cho gia đình rất khó để được ưu tiên hàng đầu vì những nhu cầu khác dường như luôn khẩn cấp hơn. Thế nhưng, tất cả các thành viên trong nhà đều cần nỗ lực đạt được những khoảnh khắc quý giá ấy càng nhiều càng tốt để giúp mọi người gần gũi và hiểu nhau hơn.
Theo Yume
Giới thiệu | Điều khoản | Chính sách | Sử dụng