Tìm kiếm cơ hội đi học ở những nước phát triển là điều mà nhiều bạn trẻ Việt Nam đang khao khát. Với những ai không thể trang trải chi phí cho việc học ở một trong những nước như vậy, thì các cơ hội học bổng là vô cùng quý. Hiện nay, có rất nhiều học bổng du học từ nhiều quốc gia dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam, song không phải ai cũng biết cách "chớp" lấy cơ hội. Là người thành công trong việc "săn" học bổng , anh Hoàng Thanh Tùng, nghiên cứu sinh tại Thuỵ Điển, chia sẻ kinh nghiệm "săn" học bổng Thuỵ Điển
Tại sao nên chọn Thụy Điển?
Thụy Điển là quốc gia phát triển thuộc khối liên minh châu Âu, có nền giáo dục tiên tiến, sinh viên bản xứ khá hòa đồng. Các học viên được nhà trường cung cấp đầy đủ các thiết bị học tập, cũng như có sự trao đổi đánh giá về chất lượng học tập, chất lượng giảng dạy của các khoá học một cách công khai và dân chủ. Các điều kiện về môi trường, con người, giao thông và an ninh đều được đảm bảo.
Đặc biệt, trong vài năm gần đây, chính phủ Thuỵ Điển đã đẩy mạnh việc quốc tế hoá giáo dục đại học, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh là chủ đạo, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên quốc tế đến Thụy Điển. Đặc biệt hơn cả, học bổng chủ đạo của Liên Minh Châu Âu - Eramus Mundus - cũng ưu tiên nhiều khoá học tại các trường đại học của Thuỵ Điển như trường Chalmers, trường KTH, trường Upsala, viện Karolinska...
Một số ngành học nổi tiếng của Thuỵ Điển là Y học nói chung, công nghệ năng lượng, môi trường và thiên văn học. Ngoài ra, một số ngành kỹ thuật như xây dựng, cơ khí, đóng tàu, viễn thông cũng được sinh viên quốc tế ưa chuộng.
Tìm học bổng qua những nguồn nào?
Học bổng học tại Thuỵ Điển thường xuất phát từ hai nguồn: từ chính phủ Thuỵ Điển, hoặc từ ngân sách của các trường (thông qua các dự án hợp tác của trường với công ty hoặc chính phủ). Thông tin về học bổng Thuỵ điển được đăng công khai tại các trang web www.si.se, www.studyinsweden.se, hoặc tại website của các trường đại học. Ngoài ra, bạn có thể tìm thông tin về các trường đại học của Thuỵ điển cũng như các quốc gia khác trên website www.4icu.org.
Trở ngại đối với việc xin học bổng Chính phủ là sự phụ thuộc vào chính sách của chính phủ hàng năm đối với ứng viên từ các quốc gia. Chính phủ Thuỵ Điển có chính sách cấp học bổng theo các ngành đặc thù và có ưu tiên theo khu vực cũng như điều kiện phát triển của quốc gia của các ứng viên xin.
Học bổng Thạc sỹ có thể tìm từ hai nguồn. Thứ nhất là từ chính phủ Thuỵ Điển thông qua quỹ SI (Swedish Institute), cấp khoảng 8.000 SEK/tháng (6,72 SEK = 1 USD). Sinh viên nước ngoài học sau đại học ở Thuỵ Điển được chính phủ Thuỵ Điển hỗ trợ 100% học phí cùng các dịch vụ bảo hiểm, được hỗ trợ thuê nhà giá rẻ (chỉ dành cho các sinh viên học Thạc sỹ). Ứng viên không thể nộp đơn xin học bổng SI trực tiếp mà phải thông qua trường, khi nộp đơn vào trường (thuộc danh sách các trường được SI hỗ trợ) bạn sẽ được khuyến nghị nộp đơn xin SI nếu trường nhận thấy hồ sơ của bạn đủ tiêu chuẩn để xin học bổng SI. Nếu muốn xin học bổng SI, bạn cần nộp hồ sơ từ tháng 1 và hạn cuối để xem xét hồ sơ là cuối tháng 2. Thứ hai, bạn có thể tìm cơ hội qua quỹ học bổng Erasmus Mundus (http://ec.europa.eu/education/programmes/mundus/index_en.html). Quỹ học bổng này cấp khoảng 42.000 Euro cho khoá học Thạc sỹ 2 năm, song sinh viên phải trả học phí theo quy định của từng trường, phần còn lại dành cho sinh hoạt phí. Thời điểm nộp đơn thường từ tháng 1 đến tháng 2 cho khoá học tháng 9.
Với học bổng tiến sỹ (một khoá học kéo dài 5 năm), mức học bổng (thực tế nên gọi là lương cho các nghiên cứu sinh) trung bình khoảng 16.000 SEK/tháng sau khi trừ thuế, có thể được hỗ trợ vé máy bay khi sang nhập học tuỳ theo chính sách của trường cũng như khả năng tài chính của dự án. 80% của lương tháng được cung cấp từ nguồn tài chính của trường dành cho việc nghiên cứu (cụ thể là dự án mà nghiên cứu sinh tham gia thực hiện), 20% đến từ ngân sách dành cho giảng dạy (các nghiên cứu sinh phải dành 20% thời gian cho việc trợ giảng, giúp các Giáo sư hướng dẫn thí nghiệm), ngoài ra còn một số khoản hỗ trợ dành cho nghỉ phép, Noel và năm mới... Quỹ SI cũng cung cấp các học bổng Tiến sĩ ngắn hạn theo diện hợp tác nghiên cứu (Guest scholar), thời gian tối đa là 18 tháng.
Lưu ý khi tìm học bổng Thuỵ Điển
Ngoài các yêu cầu chung về giấy tờ, các chứng chỉ cần thiết (TOEFL ≥ 550, iBT ~ 80 hoặc IELTS tương đương), thì điểm cần lưu ý là thông tin về các khoá học được ưu tiên cấp học bổng và thông tin về học bổng trên website của nhà trường, đặc biệt là học bổng từ các dự án nghiên cứu khoa học. Thời điểm cấp học bổng của trường không cố định vì phụ thuộc vào nguồn tài chính của các doanh nghiệp, các tổ chức.
Thông thường, giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 1 hàng năm là thời điểm các học bổng Tiến sỹ được thông báo nhiều hơn so với các thời điểm khác. Với học bổng Thạc sỹ, thời gian nộp hồ sơ thường là từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2, các ứng viên nên tìm kiếm thông tin chính xác tại website của các trường đại học tại Thuỵ Điển (dễ dàng truy cập từ site www.4icu.org ).
Để nộp đơn xin các học bổng tiến sỹ do nhà trường cấp, các ứng viên nên tìm kiếm các Giáo sư ở trường thuộc chuyên ngành mình theo học và hỏi xem hiện tại và tương lai có cơ hội cho mình xin học bổng hay không. Các Giáo sư sẽ ước lượng khả năng của ứng viên và liên hệ với ứng viên nếu thấy phù hợp. Mọi liên hệ nên rõ ràng và thẳng thắn, không nên có tâm lý e ngại, mọi thông tin cung cấp cần đầy đủ, không nên vội vàng gửi hồ sơ khi chưa đầy đủ hoặc chưa có xác nhận tin cậy.
Điều kiện sinh hoạt và cơ hội làm thêm ở Thuỵ Điển
Tiền thuê nhà trung bình khoảng 2.500-5.000 SEK/tháng, tuỳ theo diện tích và điều kiện nhà ở của mỗi người. Một số trường hỗ trợ sinh viên Thạc sỹ ở tại Ký túc xá với giá rẻ, còn đa số phải tìm thuê nhà ở ngoài. Việc thuê nhà ở Thuỵ Điển không dễ, mặc dù có thể đăng ký đặt chỗ qua website nhưng phải theo thứ tự. Tốt nhất, bạn nên liên hệ với một sinh viên đang học tại Thụy Điển để ở chung nhà hoặc nhờ người phụ trách của trường tìm giúp, hoặc liên hệ với các sinh viên sắp tốt nghiệp để họ có thể chuyển hợp đồng thuê nhà sang cho mình. Lưu ý, việc này nên làm sớm trong thời gian chờ đợi được cấp visa vào Thuỵ Điển (thường từ 6 - 8 tuần).
Phương tiện đi lại ở Thuỵ Điển khá thuận tiện, thông thường mọi người hay sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm, sinh viên có thể mua vé tháng để tiết kiệm chi phí. Đa số thức ăn đều cớ sẵn ở siêu thị, mặc dù có thể mua với giá rẻ tại các chợ đầu mối nhưng sẽ tốn kém thời gian và chi phí đi lại. Đồ ăn ở Thuỵ Điển khá ngon và đảm bảo vệ sinh, mạng lưới siêu thị rộng. Nếu tự nấu ăn và mang đến trường, sinh viên có thể tiết kiệm được chi phí đáng kể. Mỗi sinh viên thường phải chi trung bình khoảng 1.500 - 2.000 SEKcho tiền ăn trong 1 tháng.
Không có quy định cấm làm thêm ở Thuỵ Điển, tuy nhiên khối lượng bài vở cho việc học tập khá nặng, nên cần phải cân đối thời gian làm việc và học tập. Mặt khác, nếu không biết tiếng Thuỵ Điển, thì tìm việc làm thêm sẽ rất khó khăn.
Giới thiệu | Điều khoản | Chính sách | Sử dụng