Tuần trăng mật bao giờ cũng đầy ắp những kỷ niệm thăng hoa nhất, đánh dấu sự khởi đầu ngọt ngào cho cuộc sống hôn nhân. Liệu bạn có thể biến “tuần trăng mật” thành … “đời trăng mật” được không? Đừng vội lắc đầu, chỉ là bạn chưa biết cách mà thôi.
1.Tránh cãi nhau vì tiền
Khi bước chân vào cuộc sống gia đình, vấn đề tài chính thường là tâm điểm gây tranh cãi của các cặp vợ chồng. Tiền lương của vợ, tiền lương của chồng, tiền sinh hoạt trong nhà, tiền con đi học, đối nội, đối ngoại, cân đối thu chi … đều là những chuyện không thể tảng lờ. Thế nhưng, hãy giữ một thái độ hợp tác, thiện chí khi bàn tới những vấn đề này. Thảo luận không có nghĩa là tranh cãi là vì thế!
2. Học cách tha thứ
Bạn thường xuyên nổi cáu vì sự cố chấp và vô tâm của anh ấy? Hệ quả kéo theo là trận “khẩu chiến” nảy lửa, bất phân thắng bại, thậm chí cả hai lại tự làm tổn thương nhau? Như vậy, liệu có đáng?
Hãy nghĩ lại về quãng thời gian “vợ chồng son” xem sao. Có thể đôi lúc anh ấy vẫn cố chấp, vẫn vô tâm như vậy, nhưng tại sao khi ấy bạn có thể dễ dàng bỏ qua, còn bây giờ thì không? Cuộc sống vợ chồng cần lắm sự thông cảm và vị tha. Hãy góp ý, yêu cầu chia sẻ, và tha thứ khi anh ấy nói lời xin lỗi.
3. Đừng quên hẹn hò
Nhiều người cứ nghĩ rằng, vợ chồng cả ngày nhìn mặt nhau thì cần gì phải ra ngoài hẹn hò cho phức tạp và tốn kém. Đây quả thực là một quan điểm sai lầm (tai hại thì đúng hơn!!!). Nó bóp ngạt những cảm xúc lãng mạn vốn có thuở “cầm cưa”, và khiến cuộc sống lứa đôi trở nên dần tẻ nhạt, nhàm chán.
Mỗi tuần, hãy sắp xếp một buổi hẹn hò với chàng xem sao. Nhớ nhé, đó phải là những giây phút chỉ của hai người (con cái có thể gửi gắm ông bà một hôm )). Những cảm xúc ngọt ngào, cử chỉ dịu dàng, kỷ niệm yêu thương rất cần một không gian phù hợp để “lộ diện”.
4. Cuộc họp thường kỳ
Nơi công sở có họp giao ban, vậy ở nhà, tại sao lại không nhỉ? Mỗi tuần, hãy dành ra 30 phút để thảo luận với ông xã về các vấn đề trong gia đình: tình hình tài chính, mua sắm nội thất, sửa sang nhà cửa, mừng thọ ông bà …
Bằng sự trao đổi thường xuyên, cả hai sẽ thực sự có cảm giác đang cùng đi chung trên một con đường, từng bước giải quyết khó khăn, từ đó tránh được những “phi vụ” to tiếng không đáng có.
5. “Chuyện ấy” phải … no đủ
Hỏi nhỏ nhé, có phải tần số “yêu” của hai bạn trong tuần trăng mật vượt quá ngưỡng bình thường? Đừng xấu hổ, đó là chuyện dễ hiểu thôi mà. Mức độ thường xuyên của “chuyện ấy” phản ánh rõ nét “level” hạnh phúc trong hôn nhân. Ấy thế nên, chớ được phép coi thường. “Cấm vận” không phải lúc nào cũng là biện pháp trừng phạt hiệu quả đâu.
6. Tích cực … “buôn dưa”
Khi chưa kết hôn, chàng và nàng có thể “nấu cháo” điện thoại nhiều giờ đồng hồ mà không biết chán, đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Sau đám cưới, tần suất “buôn dưa” bắt đầu giảm dần, rồi… mất hút. Đôi khi, mục đích của những cuộc điện thoại siêu tốc, SMS cộc lốc chỉ để thông báo hoặc tìm kiếm những thông tin “chính thống” như: “Anh đón con đi”, “Anh có về nhà ăn cơm không?”, “Hôm nay em về muộn” …
Đâu rồi những tin nhắn ỡm ờ đại loại như: “Anh đang làm gì thế?”, hay những cuộc gọi không đầu không cuối, đơn giản vì “tự nhiên thấy nhớ”. Sự thiếu vắng ấy khiến trái tim trở nên cằn cỗi, và cuộc sống cũng nhạt nhòa, ít dần màu sắc vui tươi.
*Có được tình yêu đã khó, giữ được sự nguyên vẹn của tình yêu trước bão táp thời gian còn khó gấp trăm vạn lần. Phải có một trái tim ấm áp, lòng vị tha, sự tinh tế, và đôi bàn tay luôn biết chở che, nâng niu hạnh phúc mới làm nên điều tuyệt diệu đó.